Bạn thường chỉ nghe nói đến tốc độ kinh doanh, chứ chưa hề được biết đến “tốc độ” trong quản lý? Trong quản lý cũng có yếu tố “tốc độ”? Cùng Agilearn bàn luận sâu hơn trong bài viết này nhé.

“Tốc độ” trong kinh doanh

Trong kinh doanh người ta hay nhắc đến yếu tố “tốc độ”. Rõ ràng rồi, đó là điều mà chúng ta ai cũng biết. Doanh nghiệp nào chẳng định ra kế hoạch và mục tiêu kinh doanh. Kế hoạch dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn, vấn đề “tốc độ” dù thế nào cũng đều được nhấn mạnh. Nổi bật nhất là hai câu hỏi quen thuộc:

  • Tiền vốn cần hoàn thành luân chuyển trong thời gian bao lâu?
  • Doanh nghiệp cần bao lâu để hoàn thành mục tiêu?,…

Chúng đều là nhấn mạnh về vấn đề thời gian, lấy yếu tố “tốc độ” để tạo nên áp lực và sứ mệnh cho nhân viên. Từ đó thúc đẩy nhân viên đưa ra các phương pháp và bắt tay thực hiện.

Trong quản lý liệu có yếu tố “tốc độ”?

Thế còn về quản lý: Có tồn tại khái niệm “tốc độ” trong công tác quản lý hay không?

Xin khẳng định là có. Thậm chí, vấn đề “tốc độ” quản lý còn lớn hơn vấn đề “tốc độ” kinh doanh. Nói một cách rõ ràng, tốc độ quản lý chính là tiền đề bắt buộc và là sự đảm bảo cho tốc độ kinh doanh.

Đáng tiếc, thực tế rất nhiều doanh nghiệp thường bỏ qua điều này. Thậm chí thường dồn hết sức để né tránh “tốc độ” trong quản lý để đảm bảo “tốc độ” cần đạt được trong kinh doanh. Lý luận kiểu như: Bây giờ là thời điểm quan trọng để thực hiện mục tiêu kinh doanh. Sự ổn định là trên hết. Nhất định không được để yếu tố khác gây rối loạn.

Đúng. Một môi trường quản lý ổn định (hay tương đối ổn định) là điều kiện bắt buộc để đạt được mục tiêu kinh doanh, hay đảm bảo tốc độ kinh doanh. Nhưng môi trường quản lý nếu quá cứng nhắc, thì ngược lại, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc đạt được mục tiêu kinh doanh.

Yêu cầu mới về vấn đề “tốc độ” quản lý từ đây mới nảy sinh. Doanh nghiệp cần có sự đổi mới và tối ưu hóa vấn đề quản lý nếu muốn đảm bảo đạt được mục tiêu kinh doanh. Hiện thực hóa thông qua những hành động nhanh chóng.

Doanh nghiệp sẽ đánh mất đi sức sống nếu chỉ có sự thúc đẩy của mục tiêu kinh doanh thôi mà không có sự đổi mới trong quản lý làm nền tảng:

  • Mục tiêu hay đến đâu, lý tưởng cao xa thế nào rồi sẽ chỉ trở thành khẩu hiệu sáo rỗng.
  • Mỗi ngày sinh hoạt trong môi trường cứng nhắc, nhân sự rồi cũng dần suy giảm nhuệ khí.

Sự đổi mới trong quản lý cung cấp cho nhân viên động cơ vĩnh cửu và cảm hứng làm việc, cống hiến không ngừng. Nhân viên sẵn sàng dùng hết tinh thần tập trung hoàn thành mục tiêu kinh doanh.

Dĩ nhiên, mỗi sự đổi mới trong quản lý đều cần phải được suy nghĩ kỹ lưỡng, phải xuất phát từ thực tế và có thể giải quyết được vấn đề, chữa lành được điểm đau. Thế nhưng, quá nhiều sự do dự, quá nhiều đánh giá sẽ khiến quản lý đánh mất đi ưu thế về mặt “tốc độ”. Theo đó, sự đổi mới quản lý cũng mất đi.

Cho dù một việc đã từng làm thất bại, nhưng theo sự thay đổi của thời gian, địa điểm, con người và các nhân tố hoàn cảnh khác vẫn có thể thành công. Xin phép đanh thép một chút. Đấy là “Nghĩ không bằng làm”: Đừng nói “không được” với điều chưa xảy ra.

Không làm, doanh nghiệp làm sao biết liệu nó có khả năng thành công hay không. Thử làm so với thử nghĩ luôn quan trọng gấp nghìn lần.

Suy nghĩ cuối cùng

Vấn đề “tốc độ” quản lý cũng có tính tương đối. Bất kỳ thứ gì trải qua quá trình thử nghiệm hoặc thực tế chứng minh đều là một thứ tốt, và cần có một hạn bảo hành nhất định. Trong thời hạn này, không nên tạo ra thêm sự thay đổi gì quá lớn. Cùng lắm là điều chỉnh, cải tiến đi một chút.

Và nhà quản lý nhất định cần phải nhạy bén nhận ra đầu tiên khi cái hạn bảo hành ấy trôi qua. Đồng thời, nhà quản lý phải ngay lập tức áp dụng một cách quyết đoán biện pháp đổi mới. Làm được điều này, mới có thể giữ mãi “tuổi thanh xuân” cho quản lý.

Đừng đắn đo suy nghĩ nữa. Muốn phát triển bền vững, bất kỳ doanh nghiệp nào, dù là product hay outsourcing hãy ghi nhớ và bắt tay thực hiện ngay theo khẩu hiệu về “tốc độ” như sau: Luôn luôn cập nhật, bắt kịp thông tin – Tóm lấy thời cơ – Nhanh chóng thực hiện.

Tham khảo: “Trao cho bạn một công ty, bạn quản lý thế nào?” – Book