Để tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, bắt buộc chúng ta phải có những nỗ lực, quyết tâm mới để bứt phá. Một trong những giải pháp căn cơ, nền tảng nhất là chúng ta phải chuyển đổi số mạnh mẽ, đi đầu khu vực trong cuộc CMCN 4.0.

Vậy chuyển đổi số thực sự là gì?

Hiện nay, định nghĩa về chuyển đổi số chưa có chuẩn hóa, nhiều tổ chức, doanh nghiệp có các định nghĩa riêng của mình.

  • Gartner – công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới đưa ra định nghĩa về chuyển đổi số như sau: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.”
  • Còn Microsoft thì cho rằng “Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.”

Ví dụ Google, một trong rất nhiều công ty trên toàn cầu thành công trong việc không chỉ thay đổi mô hình kinh doanh, mà còn tăng lợi nhuận nhờ chuyển đổi số. Lúc đầu Google không có mô hình kinh doanh cụ thể, hoạt động không lợi nhuận, kiếm được chút lợi nhuận nhờ bán công cụ tìm kiếm. Nhưng từ năm 2003, Google đã tung ra AdWords cho phép các doanh nghiệp mua quảng cáo khi mọi người tìm kiếm trên Google.com. Đến năm 2008, Google tạo được doanh thu 21 tỷ USD chỉ từ quảng cáo.

Tại Việt Nam, Chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau.

khai-niem-ve-chuyen-doi-so

Khái niệm về chuyển đổi số

Có thể nói, chuyển đổi số là việc cấp bách nếu muốn phát triển; trên quy mô quốc gia, chuyển đổi số ảnh hưởng ngày càng lớn đến tăng trưởng GDP, năng suất lao động và cơ cấu việc làm.

Liên quan đến chuyển đổi số, chúng ta sẽ có thể bắt gặp một số khái niệm khác:

“Cách mạng công nghiệp 4.0” (CMCN 4.0)

Vào đầu những năm 1800, cuộc CMCN lần thứ nhất đánh dấu quá trình chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang cơ khí hóa nhờ sự ra đời của động cơ hơi nước. Cuộc CMCN lần thứ hai cho ra đời năng lượng điện, dây chuyền lắp ráp và sản xuất hàng loạt. Cuộc CMCN lần thứ 3, còn gọi là CMCN kỹ thuật số, khai thác sức mạnh của máy tính và tự động hóa trong sản xuất.

Cuộc CMCN 4.0 chính là làn sóng tiếp theo, có thể là làn sóng mạnh mẽ nhất, làn sóng chuyển đổi số và trực tuyến. Cuộc CMCN này sẽ làm thay đổi cấu trúc và động lực của nhiều ngành công nghiệp thông qua ứng dụng tự động hóa nhiều hơn, hệ thống không gian mạng thực – ảo, phân tích dữ liệu lớn, mạng lưới cảm biến, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật.

Chuyển sang dạng số (digitization) từ lưu trữ thông tin ở giấy, sang lưu trữ trên máy tính. Chuyển đổi thông tin từ dạng cứng sang dạng mềm như các video, bộ phim lưu trữ trên hệ thống trực tuyến.

Số hóa (digitalization) – thường xuyên được dùng thay thế cho “chuyển đổi sang dạng số” nhưng số hóa thiên về lưu trữ các hành vi tương tác xã hội của con người.

Có thể nói chuyển đổi số là quá trình sử dụng những thông tin đã được chuyển sang dạng số, những hành vi tương tác xã hội đã được số hóa, sử dụng các công nghệ số khác nhau như AI, Big Data để phân tích dữ liệu, biến đổi nó thành một giá trị khác.

cach-mang-cong-nghiep-40

Cách mạng công nghiệp 4.0

Có thể lấy ví dụ Grab trong việc xây dựng ứng dụng gọi xe. Những gì người dùng thấy trên màn hình điện thoại đơn giản là một chu trình đặt xe và hoàn thành chuyến đi của khách và tài xế, nhưng ẩn sâu là cả một hệ thống phức tạp. Công ty phải phân tích khối lượng dữ liệu lớn liên quan tới thói quen lái xe của tài xế, nhu cầu của người dùng, tính năng tạo sẵn cung đường, điều hướng thời gian thực… Từ dịch vụ đặt xe, công ty đã mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác như giao hàng, mua đồ ăn.

Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số không phải vấn đề về công nghệ mà đó là vấn đề về chiến lược và cách tư duy mới. Chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức về chiến lược chứ không phải (chỉ) nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin.

Khi thực hiện chuyển đổi số, không ít người có những nhầm lẫn. Những hiểu lầm về chuyển đổi số phổ biến nhất phải kể đến là:

1. Số hóa càng nhanh càng tốt

Nhiều người lầm tưởng rằng, doanh nghiệp chuyển đổi số có nghĩa là mọi thứ của doanh nghiệp cần phải được số hóa. Tâm lý nóng vội, làm được gì thì sẽ làm, áp dụng nhiều xu hướng công nghệ cùng lúc là một trong những yếu tố dẫn đến thất bại trong chuyển đổi số. Bởi khi đó, bạn thường rơi vào tình trạng dàn trải nguồn lực, dẫn đến mất tập trung vào những vấn đề cốt lõi.

Trong thế giới công nghệ mà mọi thứ thay đổi quá gấp gáp như hiện nay. Bạn cần một cái đầu lạnh để có thể bình tĩnh tìm ra những khó khăn của công ty, thấu hiểu mô hình kinh doanh, bối cảnh cạnh tranh cũng như tâm lý người tiêu dùng trước khi cân nhắc việc áp dụng công nghệ.

so-hoa-cang-nhanh-cang-tot

Số hóa càng nhanh càng tốt

2. Chuyển đổi số sẽ thành công khi bạn hoàn tất việc áp dụng công nghệ

Công nghệ thực chất chỉ là công cụ, bản thân việc áp dụng công nghệ không thể đảm bảo được kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như thể hiện việc chuyển đổi số thành công.

Sự thành công của chuyển đổi số phải nằm ở trong tư duy, trong cách nhân viên tiếp cận và giải quyết vấn đề hàng ngày, hàng giờ. Sẽ không có công nghệ nào có thể cứu sống được doanh nghiệp nếu nhân viên công ty không có tư duy số, văn hóa công ty không nuôi dưỡng sự đổi mới.

Chuyển đổi số không chỉ là hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, tạo lợi nhuận mà hơn hết, nó phải là nền tảng văn hóa của một doanh nghiệp. Và văn hóa đó, phải được xây dựng và thực hành trong một chiến lược lâu dài và kiên định.

3. Khách hàng (vẫn) là thượng đế

Trong thời đại công nghệ hiện nay, mong muốn của khách hàng được thao túng bởi rất nhiều yếu tố và thậm chí họ còn không biết bản thân mình muốn gì. Dù khách hàng vẫn luôn là mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp và là động lực chính trong công cuộc chuyển đổi số, tuy nhiên khi bạn coi khách hàng là trọng tâm duy nhất và sẵn sàng đáp ứng tất cả yêu cầu của họ, bạn có xu hướng đánh mất đi triết lý và bản sắc thương hiệu của mình.

khach-hang-van-la-thuong-de

Khách hàng vẫn là thượng đế

Thay vì coi khách hàng là thượng đế, hãy biến họ thành một người bạn, người thân trong gia đình, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi về mặt tổ chức và văn hóa.

4. Chuyển đổi số là sân chơi của các ông lớn trong làng công nghệ

Chúng ta chẳng còn xa lạ gì với những cái tên xuất hiện dày đặc trên trên các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây:

  • Uber và Grab thách thức ngành taxi truyền thống.
  • Airbnb thách thức khái niệm về khách sạn và lưu trú.
  • Netflix thách thức các kênh giải trí truyền thống.
  • Spotify tái định nghĩa cách chúng ta tiếp cận âm nhạc…

Những câu chuyện này đã và đang tạo ra hiểu lầm cho nhiều doanh nghiệp truyền thống tại Việt Nam khi cho rằng chuyển đổi số vốn là sân chơi của những unicorn và start up công nghệ cao, trong khi những doanh nghiệp truyền thống mới là trụ cột nuôi dưỡng nền kinh tế.

chuyen-doi-so-chi-danh-cho-cac-ong-lon-trong-cong-nghe

Chuyển đổi số chỉ dành cho các ông lớn trong công nghệ

Các doanh nghiệp truyền thống bị giới hạn bởi sức ì do chính hệ thống, cơ chế, quy trình và bộ máy tổ chức tạo ra. Vì thế, họ dần mất đi khả năng thích ứng nhanh, khả năng linh hoạt, và tinh thần sáng tạo. Nhưng chuyển đổi số là sân chơi công bằng cho tất cả mọi doanh nghiệp mà ở đó, bất kì ai đủ nhanh nhạy cũng có thể tìm được miếng bánh cho riêng mình. Nếu không linh hoạt bắt kịp với những đổi thay mang tính chiến lược, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bị đào thải, như cái cách mà thương hiệu đồ chơi danh giá Toys R Us đã ra đi.

Nếu bạn muốn cập nhật những thông tin nóng hỏi về Chuyển đổi số, hãy truy cập website Agilearn nhé!