Khả năng đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu cuộc sống gia đình và công việc của bạn sắp được thử thách hơn bao giờ hết.
Trong vài tuần qua, các nỗ lực tăng cường phân tán xã hội và hạn chế đại dịch coronavirus đã khiến các doanh nghiệp trên toàn thế giới chuyển sang làm việc từ xa. Không có nhiều sự chuẩn bị, nhiều người đột ngột phải điều chỉnh theo những cách vận hành mới, đặt ra những dấu hỏi về việc dẫn dắt và kết nối.
Phụ huynh đi làm có thêm một gánh nặng khi các trường học đang cho học sinh học tập tại nhà (học trực tuyến). Công việc và cuộc sống gia đình – bạn có thể kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này, hay để chúng chồng chéo lên nhau.
Ngay cả khi bạn là một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm làm việc tại nhà, thì việc có con cái xung quanh chắc chắn sẽ nảy sinh một loạt những thử thách mới. Đừng choáng ngợp, đây là 5 mẹo giúp bạn giao tiếp công việc hiệu quả hơn, quản lý sự căng thẳng không thể tránh khỏi và cân bằng các ưu tiên. Hãy cùng Agilearn khám phá nhé!
1. Lập kế hoạch tổng thể
Nếu bạn không dành thời gian để lên kế hoạch cho việc bạn sẽ giải quyết vô số nhiệm vụ theo cách hợp lý, chắc chắn bạn sẽ không đáp ứng được kỳ vọng trong công việc hoặc làm việc suốt ngày đêm vì cuộc sống gia đình đòi hỏi nhiều công sức hơn bạn dự đoán.
Dành thời gian để tìm ra những kịch bản khác nhau có thể xảy ra khi làm việc xung quanh những công việc gia đình, và tự hỏi mình những câu hỏi quan trọng. Bạn có cần yên tĩnh để tập trung và bạn có thể tạo ra sự yên tĩnh? Bao lâu bạn sẽ cần đa nhiệm trong khi làm việc? Bạn có thể dự đoán thời lượng tối ưu nhất để thực hiện cuộc gọi với đồng nghiệp hoặc khách hàng?
Đối với một số người, có một lựa chọn để tối đa hóa thời gian làm việc bằng cách nghĩ ra những phương thức giải trí cho con cái hoặc xen kẽ việc chăm sóc trẻ với người giúp việc. Đối với những người khác, bạn có thể phải là người chăm sóc chính (hoặc duy nhất) cho trẻ nhỏ, khiến thời gian làm việc bị hạn chế.
Hãy tự tin đối mặt với những thực tế này bằng cách phác thảo kế hoạch ban đầu. Điều này sẽ giúp bạn đánh giá tốt hơn năng lực của bản thân và không bị động trước những thách thức phía trước.
2. Trung thực với sếp và đồng nghiệp
Mặc dù bạn có quyền lựa chọn làm việc tại nhà và tiếp tục được trả lương, nhưng đừng mất đi tính trung thực. Cố gắng duy trì công việc ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong khi chăm sóc trẻ nhỏ là điều hoàn toàn không thực tế.
Trẻ nhỏ cũng cần được bạn chú ý. Hãy xem xét những gì con bạn muốn. Chúng đã phải đột ngột dừng tất cả các thói quen thường ngày, từ những tương tác ở trường đến các môn thể thao và hoạt động vui chơi bên ngoài. Chúng đang ngồi ở nhà mỗi ngày với bạn trong khi bạn cố gắng làm việc. Với bản tính hiếu động của trẻ con, chúng sẽ rất bồn chồn.
Bạn cần có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với sếp và nhóm về hoàn cảnh của mình. Trình bày rõ những cam kết của bản thân để giúp công ty vượt qua khó khăn trong thời điểm chưa từng có này, nhưng cũng phải nói lên những trở ngại bạn gặp phải.
Đừng nghĩ đến những nghi ngờ của người khác về những gì bạn có thể làm được. Điều này đặc biệt đúng đối với đàn ông vì sự thiên vị giới tính có thể tạo ra nhận thức không chính xác rằng bạn có ít trách nhiệm hơn ở nhà.
Trình bày rõ phần nào trong công việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng khi làm việc tại nhà và xác nhận những nhiệm vụ bạn có thể cam kết hoặc hoàn thành. Điều này sẽ giúp bạn và cấp trên làm rõ mọi vấn đề tiềm ẩn. Hãy làm hết sức mình, nhưng có giới hạn, vì con cái.
3. Xác nhận thay đổi ưu tiên và thời hạn
Mục tiêu của bạn trong vài tuần tới là thực hiện thành công các yêu cầu thiết yếu của công việc trong khi chăm sóc gia đình cả về thể chất lẫn tinh thần.
Mặc dù chỉ đáp ứng mức tối thiểu cần thiết trong công việc có thể là điều hơi tiêu cực, nhưng trong trường hợp này, chiến lược đó có thể là cách duy nhất của bạn trong việc tìm kiếm sự cân bằng một cách bền vững để vượt qua khó khăn trong vài tuần tới. Bây giờ không phải là thời gian để lãng phí năng lượng cho những sáng kiến không còn quan trọng như trước đây hoặc các dự án với thời hạn thay đổi.
Đây là cơ hội thay đổi các ưu tiên trong công việc. Hãy chắc chắn cả nhóm đều thống nhất với nhau và nhận phản hồi rõ ràng khi mọi thứ đến hạn deadline.
Điều tương tự cũng áp dụng nếu bạn thường xuyên yêu cầu đồng nghiệp hỗ trợ. Hãy suy nghĩ về những gì bạn thực sự cần so với những gì bạn muốn và đặt thời hạn rõ ràng. Hãy xem xét những điều bạn yêu cầu trước đây. Liệu chúng có còn cần thiết?
Cung cấp những gì tuyệt vời cho khách hàng sẽ vẫn là một ưu tiên cao, nhưng hãy linh hoạt để quản lý tốt cuộc sống gia đình.
4. Đảm bảo sức khỏe của bản thân
Quản lý sức mạnh thể chất là một trong những điều quan trọng nhất bạn cần làm ngay bây giờ.
Ngủ đủ giấc, ăn thực phẩm chất lượng cao, uống nhiều nước và thiền để giải tỏa căng thẳng. Đây là tất cả những điều mà bạn chắc chắn phải thực hiện và bổ sung vào lịch sinh hoạt mỗi ngày trong những tuần tới.
Làm những thứ có ích cho sức khỏe và hạn chế căng thẳng, tuyệt đối không ăn đêm hay đắm chìm vào việc xem tin tức. Điều này sẽ khiến bạn gắt gỏng, mệt mỏi vào ngày hôm sau và không sẵn sàng đảm nhận khối lượng công việc thậm chí còn cao hơn bình thường.
Nếu bạn thấy mình chỉ có thể duy trì một thói quen tự chăm sóc bản thân trong những ngày tới, hãy ưu tiên cho giấc ngủ.
Cố gắng nhắc nhở bản thân rằng toàn bộ thành viên trong gia đình sẽ được hưởng lợi từ việc ở bên cạnh bạn – một người khỏe mạnh, thông qua việc nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân lẫn những người trong gia đình.
5. Giao tiếp, giao tiếp, giao tiếp
Bạn rất thân thiết với các đồng nghiệp trong nhóm – những người gần gũi với bạn nhất nhưng đang phải cách ly nhau về mặt thể chất. Việc thiếu đi sự giao tiếp sẽ mang lại những căng thẳng không cần thiết.
Bạn vốn dĩ đã phải cân bằng giữa công việc với chăm sóc con cái hoặc các công việc nhà khác. Đừng ngần ngại lên tiếng khi một chuẩn mực quan hệ đã được thiết lập từ trước không còn được duy trì trong bối cảnh mới này.
Ví dụ, sau khi cho trẻ đi ngủ, bạn cần bỏ qua thói quen xem Netflix cùng đồng nghiệp. Bạn cần có thêm thời gian nghỉ ngơi khi ở nhà sau khi đã cùng làm việc với nhau cả ngày.
Bất cứ điều gì bạn phải đối mặt, hãy sớm chia sẻ suy nghĩ và mối quan tâm với đồng nghiệp. Nếu cứ ngại ngần, mối quan hệ đồng nghiệp sẽ dần phai nhạt kéo theo sự giúp đỡ, đồng cảm trong công việc cũng suy giảm theo.
Thay đổi đột ngột vốn dĩ rất khó khăn. Sự chuyển đổi về mặt thói quen và tâm lý không hề dễ dàng, nhưng một thời gian sau khi vượt qua thời kỳ hỗn loạn này, bạn sẽ vô cùng tự hào về khả năng thích nghi và kiên trì của mình.
Nguồn: Forbes.com